Menu
×

Người đái tháo đường nên biết: Những nguyên tắc khi luyện tập

Ngày đăng: 17/01/2018 In bài viết này

SKNT-Người đái tháo đường muốn kiểm soát tốt bệnh của mình thì phải kết hợp tốt giữa dùng thuốc, ăn uống và luyện tập. Luyện tập làm tăng độ nhạy insulin, giúp kiểm soát đường máu tốt hơn, giảm được liều thuốc nếu biết luyện tập đúng. Tuy nhiên nếu không chú ý, người đái tháo đường có thể gặp những biến chứng nặng nề hơn như hạ đường huyết, loét chân, các vấn đề về tim mạch

Người đái tháo đường muốn kiểm soát tốt bệnh của mình thì phải kết hợp tốt giữa dùng thuốc, ăn uống và luyện tập. Luyện tập làm tăng độ nhạy insulin, giúp kiểm soát đường máu tốt hơn, giảm được liều thuốc nếu biết luyện tập đúng. Tuy nhiên nếu không chú ý, người đái tháo đường có thể gặp những biến chứng nặng nề hơn như hạ đường huyết, loét chân, các vấn đề về tim mạch. Dưới đây là một số nguyên tắc chính và những lưu ý khi luyện tập:

Nếu biết luyện tập, người đái tháo đường có thể tham gia các cuộc thi lớn và đạt thành tích cao

Lợi ích của luyện tập thể dục

  • Làm giảm đường máu trong và sau tập
  • Làm tăng nhạy cảm insulin ở mô đích
  • Làm giảm huyết áp
  • Cải thiện chức năng tim, giảm biến chứng tim mạch
  • Đạt cân nặng lý tưởng
  • Tạo cảm giác thoải mái
  • Khác:
    • Giảm cholesterol toàn phần, tăng nồng độ HDL-cholesterol
    • Giảm đau và cứng khớp trong viêm xương – khớp
    • Giảm nguy cơ các bất thường về đông máu
    • Giảm nguy cơ ung thư: ung thư đại tràng…
    • Cải thiện tình trạng đau cách hồi
    • Giảm stress

Nguy cơ khi luyện tập với người đái tháo đường

  • Hạ đường huyết: đặc biệt người đang được điều trị sulfonylurease (diamicron, Amaryl…), insulin
  • Tăng nguy cơ biến chứng tim mạch: đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim
  • Làm nặng thêm biến chứng mạn tính: xuất huyết võng mạc, mất protein qua nước tiểu, thoái khớp, tổn thương bàn chân

Thăm khám phát hiện biến chứng, tiên lượng nguy cơ trước khi bắt đầu chương trình luyện tập

Kiểm tra thể lực:

  • Khám tim mạch, phát hiện bệnh mạch vành, đau cách hồi, giảm hoặc mất mạch…
  • Bệnh thần kinh ngoại vi hoặc tự động
  • Bệnh thận
  • Huyết áp
  • Bệnh võng mạc

Lựa chọn phương pháp tập luyện

* Nguyên tắc:

  • Không nên tập luyện các môn đòi hỏi quá nhiều thể lực: các môn đối kháng, maraton…
  • Tập luyện phù hợp sức khỏe
    • Hoạt động tĩnh tại: dạo bộ 3-4km/h, xuống cầu thang, nội trợ, làm vườn…
    • Hoạt động thể lực nhẹ: đi bộ 5-6km/h, lên xuống cầu thang, khiêu vũ
    • Hoạt động thể lực nặng: chạy bộ 6-8 km/h, chèo thuyền, khiêu vũ, tennis…
    • Yoga: giảm stress, cải thiện sự nhạy cảm với insulin, không gây hạ đường huyết

Tiến hành tập luyện ở người đái tháo đường

Lời khuyên khi tập luyện

  • Lựa chọn hoạt động ưa thích
  • Chọn giầy dép thích hợp
  • Uống đủ nước trước khi tập
  • Khởi động từ từ có lẽ từ 5-10 phút mỗi lần
  • Tăng từ từ thời gian và cường độ
  • Tập cùng nhóm
  • Thay đổi các hoạt động để tránh nhàm chán
  • Thử đường máu trước khi tập
    • Đường máu trước tập >14mmol/l: không tập
    • Đường máu trước tập < 6 mmol/l: ăn lượng tương đương 15 g đường
    • Với người đái tháo đường týp 1: nếu có ceton niệu thì không nên tập
  •  Đề phòng hạ đường huyết
  • Biết cách xử trí hạ đường huyết
  • Đeo thẻ đái tháo đường
  • Không tiêm insulin vào các vùng cơ vận động nhiều
  • Mang sẵn đường hấp thu nhanh (bánh, kẹo)
  • Tránh tập quá sức
  • Khuyến cáo Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ
  • Bài tập trung bình: 150 phút/tuần, chia 3 lần cách ngày
  • Bài tập mạnh: 75 phút/tuần, chia 3 lần cách ngày
  • > 65 tuổi: không nên tập nặng
  • Tập ít nhất 2 nhóm cơ/ngày
  • Tập thế nào là vừa? => Nhịp tim tăng 50-70% so với bình thường. VD: bình thường nhịp tim 80 l/phút => Khi tập nhịp tim tăng (80 + 80x50%) = 120 l/phút là vừa

Đề phòng nguy cơ khi luyện tập

  • Đối với đái tháo đường týp 1
  • Hạ đường huyết, có thể trong vòng 24-36 giờ sau tập. Lưu ý: Tập luyện kéo dài cần bổ sung đường trong quá trình tập luyện
  • Giảm liều Insulin trước và sau khi tập luyện
  • Cần cần nhắc bữa phụ trước giờ đi ngủ
    • Đối với đái tháo đường týp 2
  • Hạ đường huyết
  • Biến cố bệnh tim mạch

Hướng dẫn cụ thể một số trường hợp đặc biệt

BN có biến chứng thận đái tháo đường:

  • Nên: Tập luyện cường độ thấp đến vừa phải
  • Không nên: Tập cường độ cao

BN mắc bệnh võng mạc đái tháo đường

  • Nên: Tập luyện nhẹ: đi bộ, đạp xe, khiêu vũ
  • Không nên:Tập gắng sức như chạy rầm rập hay va chạm mạnh

Đ.Đ.T