Menu
×

Yếu tố tăng nguy cơ trầm cảm ở trẻ vị thành niên - không thể xem thường

Ngày đăng: 22/11/2017 In bài viết này

SKNT - Bệnh trầm cảm giờ đây không chỉ là bệnh của người lớn, trẻ em cũng có thể mắc phải căn bệnh này. Nhiều trường hợp trẻ bị trầm cảm nhưng cha mẹ lại nghĩ là con quá lười biếng, nhút nhát, không nghe lời và cứng đầu. Bên cạnh đó, nhiều trẻ em trầm cảm đã bị chẩn đoán nhầm thành hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.

Theo số liệu thống kê tại Hội thảo “Trầm cảm - hãy cùng trò chuyện” do Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) tổ chức, TS Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng cho biết, ở Việt Nam, bệnh trầm cảm hiện có xu hướng trẻ hóa. Hiện có khoảng 30% dân số từng có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Tỷ lệ bệnh này ngày càng gia tăng ở trẻ em, trong số trẻ vị thành niên bị trầm cảm, tuổi 13-16 chiếm tỷ lệ cao (63,75%). Tuổi trung bình mắc bệnh là 14,15±1,74, nữ gặp nhiều hơn nam (1,16/1).

Phần lớn trẻ được phát hiện chẩn đoán muộn: sau 6 tháng phát bệnh là 62,5%, sau 1 năm phát bệnh là 45%. Đã có 57,5% được khám, điều trị ở tuyến cơ sở nhưng nhầm lẫn chẩn đoán (với bệnh lý nội khoa 25%, động kinh 7,5%, rối loạn tâm thần 7,5%), vì vậy thường không hiệu quả, gây thiệt thòi cho bệnh nhi, tốn kém cho gia đình.

Ảnh minh họa

Vậy yếu tố nào làm tăng nguy cơ trẻ mắc bệnh trầm cảm ở trẻ vị thành niên?

Thường xuyên căng thẳng

Điều này nếu trẻ thường xuyên gặp trạng thái tâm lý stress, căng thẳng hoặc lo âu không thoát ra được sẽ dẫn đến trầm cảm.

Buồn rầu

Điều này không nhất thiết đồng nghĩa với trầm cảm, là điều bình thường nếu trẻ đau khổ khi bị mất mát hoặc buồn bã vì bị bạn bè chơi xấu, chuyện này thường chỉ kéo dài vài ngày. Nếu tình trạng rầu rĩ kéo dài vài tuần hoặc có vẻ ảnh hưởng tới các hoạt động thường kỳ và quan hệ của trẻ thì cần nghĩ tới trầm cảm. Trầm cảm không phải là sự thay đổi nhất thời của cảm xúc, đó là cảm giác vô vọng kéo dài, là sự thiếu hụt năng lượng và nhiệt tình kéo trường diễn trong vài tuần, vài tháng, thậm chí là vài năm.

 Bực bội mạn tính

Trẻ bị trầm cảm có thể gặp khó khăn trong quan hệ với bạn bè và gia đình, hoặc bị thay đổi cảm xúc quá mức. Chúng thường tỏ ra lãnh đạm, không có khả năng tập trung, thiếu sức sống, thiếu nhiệt huyết và không mấy khi vui vẻ. Đôi khi trẻ tỏ ra cáu bẳn, hờn dỗi, thậm chí là hung hăng dẫn đến rối loạn chú ý, rối loạn hành vi. Khi đủ lớn chúng thường tự gọi mình là đồ ngốc, là người vô dụng và vô phương cứu chữa… Trẻ có thể bận rộn với các ý tưởng về chết chóc và thậm chí còn tìm cách tự tử. Trẻ vị thành niên bị trầm cảm có thể lạm dụng rượu hay ma túy, dùng những thứ này để cảm thấy dễ chịu hơn.

 Gặp khó khăn trong học tập

Kết quả học tập ngày càng sa sút, trẻ không thoát ra được những nỗi sợ bị thầy cô, bạn bè chê cười và bị bố mẹ mắng.

Ngoài ra thì những yếu tố như nghiện thuốc lá, rượu hay ma túy hay gia đình có người bị trầm cảm cũng có thể khiến trẻ có nguy cơ bị trầm cảm.

Bởi vậy các bậc cha mẹ nên thực sự nghiêm túc trong vấn đề dạy dỗ, giáo dục con cái. Khi trẻ có một số dấu hiệu hoặc thậm chí toàn bộ những dấu hiệu trên không có nghĩa là trẻ chắc chắn mắc chứng trầm cảm. Tuy nhiên, nếu thấy những dấu hiệu này ở mức độ nặng và kéo dài trên 1 tháng, bạn cần nhanh chóng đứa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tâm lý, gặp chuyên gia tâm thần nhi khoa để nhận được lời khuyên hữu ích và kịp thời có hướng xử lý khoa học, hiệu quả.

Minh Anh (t/h)