Menu
×

CÔNG NGHỆ PLASMA: NÂNG CAO HIỆU QUẢ KHÁM CHỮA BỆNH

Ngày đăng: 25/10/2017 In bài viết này

SKNT - Khái niệm điều trị vết thương bằng công nghệ Plasma có lẽ vẫn là khái niệm mới đối với bệnh nhân, nhưng trên thực tế công nghệ điều trị vết thương bằng plasma đã được ứng dụng điều trị ở trên 50 bệnh viện trên cả nước trong đó có những bệnh viện lớn hàng đầu như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nội tiết TW, Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên, BV T.Ư Huế, BV đại học Y dược TP.HCM, BV Phụ sản Trung Ương, Bệnh viện Nhi Trung Ương.

Điều trị vết thương bằng công nghệ plasma là sáng chế của hai Tiến sĩ Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2011 với "nguồn vốn" là 2 chiếc bàn văn phòng và một đề tài nghiên cứu cấp cơ sở với chi phí 15 triệu đồng, 4 năm sau, Tiến sỹ (TS) Đỗ Hoàng Tùng- Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam cùng với cộng sự TS Nguyễn Thế Anh đã chế tạo thành công chiếc máy phát tia plasma lạnh ứng dụng công nghệ hồ quang trượt (Gliding arc plasma - GAP) - một trong những chiếc máy phát tia plasma đầu tiên trên thế giới dựa trên nguyên lý này.

Sau một thời gian nghiên cứu chế tạo rồi đưa vào thử nghiệm mang lại những hiệu quả tích cực, được kiểm nghiệm và thử nghiệm lâm sàng tại nhiều bệnh viện lớn, chiếc máy PlasmaMed của tiến sỹ 8X Đỗ Hoàng Tùng đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành sản phẩm thiết bị y tế. Đây được coi là chiếc máy PlasmaMed "made in Việt Nam" đầu tiên được đưa vào thử nghiệm chữa lành vết thương mà không cần kháng sinh.

Ứng dụng Plasma lạnh dùng để điều trị các vết thương đặc biệt các vết thương nhiễm khuẩn, các vết thương mạn tính khó liền, lâu liền; các vết thương nhiễm khuẩn đã bị kháng với các kháng sinh, các vết loét do bệnh đái tháo đường... Các bệnh viện ứng dụng rất đa dạng để điều trị trên các bệnh nhân cụ thể các bệnh nhân có vết thương do chấn thương, các vết thương bỏng, các vết thương, các vết loét do các bệnh da liễu, các vết loét do biến chứng đái tháo đường, các vết loét do thiểu dưỡng, các vết loét mỏn cụt, loét do tì đè nằm lâu ở các bệnh nhân bị đột quỵ, tai biến mạch máu não; điều trị các vết loét nhiễm trùng sau mổ (Bệnh viện Phụ sản TW điều trị nhiễm khuẩn sau mổ đẻ).

 Ứng dụng Plsama lạnh: bước đột phá mới trong kỹ thuật chăm sóc vết thương

Do tác dụng của tia Plasma lạnh là diệt các vi khuẩn, kể cả vi khuẩn kháng thuốc và kích thích liền vết thương nên hiệu quả ứng dụng thực tế tại các bệnh viện trong thời gian vừa qua là: Vết thương sẽ giảm các dấu hiệu nhiễm khuẩn ngay từ lần đầu tiên, vết thương hoàn toàn sạch vi khuẩn sau 2-3 lần chiếu, Đối với các vết loét nhiễm khuẩn mạn tính thì thời gian chiếu khoảng 4-5 lần. Plasma lạnh có thể điều trị được cả các vết loét nhiễm các vi khuẩn kháng thuốc nên giảm đáng kể việc sử dụng các kháng sinh đắt tiền.

Vết thương được điều trị bằng Plasma lạnh: Tổ chức hạt và biểu bì mọc rất tốt, không cần ghép da; giảm tối đa sẹo

Thực tế công nghệ plasma đã ứng dụng chữa nhiều vết thương nghiêm trọng, cụ thể như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thành Toàn (52 tuổi, Thủ Đức – TP.HCM) bị Gout khoảng 15 năm nay, tháng 7/2017 bệnh nhân thăm khám phát hiện bị nhiễm trùng thể Tophi gối (P) và được chỉ định phẫu thuật tại bệnh viện Nhân dân Gia Định. Nhưng sau khi phẫu thuật, vết thương sưng đau, rỉ dịch, có dấu hiệu nhiễm trùng, hoại tử. Kèm thêm chế độ ăn uống kiêng khem của người bị Gout mãn tính lâu năm nên tình trạng vết thương ngày càng nghiêm trọng mặc dù đã sử dụng một thời gian dài kháng sinh dạng uống. Sau đó bác sĩ phải chỉ định sử dụng kháng sinh ở mức tối đa,  2 lọ tiêm truyền/ ngày nhưng cũng chưa thấy chuyển biến tích cực. Trong thời gian máy PlasmaMED® được triển khai, các bác sĩ chỉ định điều trị bằng phương pháp Plasma lạnh, tần suất chiếu 1 lần/ ngày. Kết quả cho thấy sau 3 lần chiếu, tình trạng nhiễm trùng, rỉ dịch và sưng tấy giảm rõ rệt, bệnh nhân cảm thấy thoải mái, không còn đau đớn như ban đầu, đặc biệt mô hạt lên nhanh, cấu trúc chắc chắn, màu sắc đẹp hồng hào, cho thấy vết thương đang tiến triển rất tốt. Sau lần chiếu thứ 7, bệnh nhân được chỉ định ghép da và thành công, sau đó được xuất viện sau thời gian dài điều trị. Còn trường hợp Bệnh nhân Lương Văn Hai (83 tuổi, Biên Hòa – Đồng Nai) nhập viện đa khoa Đồng Nai ngày 10/07/2017 với vết thương loét cẳng, bàn chân (P) diện tích 12x26 cm do bỏng nước sôi độ (III). Thể trạng bệnh nhân suy kiệt, đái tháo đường type 2, tình trạng vết thương bị chảy dịch, bờ nham nhở, giả mạc đóng dày. Bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh khoảng 1 tháng và cân nhắc ghép da nhưng tỉ lệ thành công khá thấp nên chưa thực hiện. Tiếp tục theo dõi thì vết thương hầu như không tiến triển. Cuối cùng, bác sĩ chỉ định phương pháp chiếu tia Plasma lạnh 1 lần/ ngày sau khi cắt lọc giả mạc. Kết quả cho thấy chỉ sau 6 lần chiếu, vết thương không còn tình trạng chảy dịch, các bờ vết thương bắt đầu kéo vào, mô hạt lên rất đều, đẹp, tạo “nền móng vững chắc” để tiến hành ghép da. Kết quả ghép da thành công, bệnh nhân được xuất viện chăm sóc tại gia đình.

Từ những thực tế ứng ụng công nghệ Plasma trong điều trị vết thương tại các bệnh viện cho các trường hợp bệnh nhân nặng điển hình đã thấy được tính ưu việt của việc điều trị vết thương bằng công nghệ Plasma, và sự cần thiết để nhân rộng công nghệ này trong điều trị vết thương để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, đồng thời giảm đi chi phí khi bệnh nhân phải điều trị trong thời gian kéo dài, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

Thu Trang