Menu
×

Ông bà chăm cháu, cha mẹ nơm nớp lo

Ngày đăng: 23/12/2017 In bài viết này

SKNT - Không tìm được tiếng nói chung trong việc chăm sóc trẻ khiến mối quan hệ của hai thế hệ ngày càng xa nhau.

Sau khi sinh xong, thuê người giúp việc không an tâm, chị Thanh Hương (ngụ quận 2, TP.HCM) đón mẹ ruột từ quê vào để tiện chăm sóc cháu. Dù có xem tivi phát quảng cáo trẻ dưới sáu tháng chỉ cần bú mẹ là đủ, đừng lo con khát hay cần tráng miệng, thế nhưng mẹ chị cứ lấy nước lọc cho bé uống tráng miệng sau khi bú xong. Chưa kể, mẹ chị còn bắt chị nhỏ sữa vào mắt con để chữa ghèn và không bị đau mắt đỏ sau này. Chị không làm thì bà hay càm ràm.

Ngay ngáy lo sợ

Chị Hương tỉ tê với mẹ hoài thì bà cũng nguôi và không tự làm theo ý mình nữa. Thế nhưng chị tiếp tục nơm nớp lo mỗi khi mẹ chồng đến chơi và chăm cháu. Bà còn hay gọi điện thoại nhắc chị Hương phải cho bé uống mật ong ngâm quất chữa ho, trong khi chị tìm hiểu thông tin thì được biết không nên cho bé dưới một tuổi uống mật ong. Chị Hương nhớ lại lần đi sinh, mẹ chồng lên chơi nên cùng theo vào bệnh viện và không quên cầm theo trái chanh. Khi chị Hương sinh xong thì mẹ chồng liền đòi bế cháu và nhỏ chanh vào miệng cho bé ói đàm nhớt hết ra. “Mấy đứa con má đều làm vậy hết nên có đứa nào đau ốm gì đâu. Cái này phải làm ngay chứ không thì thằng bé sau lại thở khò khè suốt” - bà lý luận. May nhờ có cô y tá vào hướng dẫn cách tống đàm nhớt trong miệng ra cho bé, bà cũng có mặt ở đó nên không làm nữa.

“Tuy các cụ giàu kinh nghiệm sống hơn mình thật nhưng cũng còn nhiều quan niệm lạc hậu. Cứ cả nể mà nghe theo thì có khi hại con mà cãi bướng thì lại bị quy là hỗn” - chị Hương khó xử.

Tương tự tình cảnh chị Hương, chị Phương Linh (quận 8) nhận may gia công ở nhà nên có thời gian chăm con. Mẹ chồng chỉ phụ chăm bé 1-2 tiếng buổi chiều nhưng khi nào đưa con cho mẹ bế, chị cũng lo ngay ngáy vì bà hay bôi dầu gió cho bé. Có lần chị đi công việc về thấy vỏ thuốc Tây, bà bảo mới đi mua thuốc cho bé uống vì có dấu hiệu cảm sốt. Bà hay nói: “Ngày xưa mẹ cũng toàn làm vậy mà đứa nào cũng khỏe”. Chị Linh chỉ dạ vâng chứ nghĩ nói đi nói lại mất vui.

Đồng cảm với chị Linh, chị Minh Huệ (ngụ quận Tân Bình) cho biết: “Con tôi sốt mọc răng nhẹ thôi, chỉ 37,5 độ nhưng mẹ chồng bắt phải cho con uống thuốc cảm. Có lần bà còn chà tỏi vào lòng bàn tay bé đến đỏ tấy lên”. Còn cha chị Thiên Trang (ngụ quận 3) thì đòi đắp lá cho cháu khi bị áp xe ngực. “Tôi bảo bác sĩ dặn không nên đắp bất cứ cái gì lên vùng áp xe thì ông nói người ta là bác sĩ dặn thế để còn chữa bệnh lấy tiền” - chị Trang kể.

Chị Minh Xuân (ngụ quận Tân Phú) thì cho hay ông ngoại còn pha sữa công thức với đường cho cháu bú và bảo: “Sữa công thức nhạt thế, sao mà nó uống được, nuôi con gì mà con không phát triển”.

Nhờ bác sĩ tư vấn

BS Nguyễn Thanh Sang, ĐH Y Dược TP.HCM, kể từng chứng kiến gia đình lục đục vì mâu thuẫn trong cách chăm sóc con cháu . Trường hợp này rất nghiêm trọng khi bà nội tự ý nhỏ chanh vào miệng cháu mới sinh vài giờ để cho ói đàm nhớt ra. Tuy nhiên, do đường thở và đường miệng thông nhau, em bé bị hít sặc khiến đường thở đóng lại, tím tái dẫn đến suy hô hấp phải cấp cứu gấp. Người mẹ khóc ngất, còn người chồng to tiếng với mẹ. Bà nội thì chống chế: “Ngày xưa mẹ cũng làm vậy mà có sao đâu”.

Theo BS Sang, người lớn hay có thói quen cho trẻ nhỏ uống mật ong để trị ho, tuy nhiên mật ong chỉ nên dùng cho trẻ trên 12 tháng tuổi. Trong Đông y, sử dụng vật nóng đắp lên chân và bấm huyệt để giảm cơn ho có cơ sở khoa học 

nhưng việc đắp tỏi nóng chưa được chứng minh có tác dụng. Dùng tỏi nóng quá có thể gây bỏng cho trẻ mặc dù các phụ huynh cho rằng có thể dùng tay ướm độ nóng đắp cho con. Thực tế da người lớn và con trẻ khác nhau, đủ vừa với người lớn nhưng có thể gây bỏng cho trẻ.

Trẻ uống hoàn toàn sữa mẹ thì không cần thiết uống nước tráng miệng, chỉ cần lau miệng là đủ. Nếu bé đã bú no mà cho uống thêm nữa sẽ dễ gây nôn trớ cho bé vì lúc này dạ dày bé sẽ quá căng vì quá no.

BS Sang cũng thừa nhận nhiều phụ huynh còn tùy tiện cho trẻ uống thuốc mua ở nhà thuốc. Theo BS Sang, dược sĩ cho thuốc dựa vào miêu tả chủ quan của phụ huynh vì trẻ không cảm nhận được. BS Sang kể từng tiếp nhận trường hợp trẻ bị viêm phổi nặng, tím tái lơ mơ nhập viện điều trị trễ vì người nhà chủ quan tự điều trị bằng cách mua thuốc giảm ho cho bé uống vì chỉ nghĩ là bé ho. “Đối với trẻ nhỏ, nhiều khi chỉ ho nhẹ thôi nhưng đã viêm phổi rất nặng. Uống thuốc hạ sốt, giảm ho thì viêm phổi vẫn còn, do đó trẻ không được điều trị kịp thời đúng bệnh sẽ rất nguy hiểm” - BS Sang nói.

Nguồn Pháp luật TPHCM