Đăng ký
Vui lòng nhập các thông tin cần thiết
Khi vấn đề sức khỏe của con người được đặt lên hàng đầu thì xu hướng tìm mua các loại dược liệu đông y có tác dụng trị bệnh, bồi bổ cơ thể trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Những loại thần dược được quảng cáo như sâm, linh chi,…. trở thành món hàng được “săn lùng”. Nhiều “ma trận” dược liệu giả nhân cơ hội đó được bày ra, “móc túi” người tiêu dùng.
Dược liệu giả “lên ngôi”, dược liệu sạch bỏ phí
Theo thống kê của Bộ Y Tế, khoảng 90% số dược liệu nước ta nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, và hơn 60% số mẫu được kiểm nghiệm không đạt chuẩn về hàm lượng, hoạt chất và làm giả, thậm chí bị trộn lẫn rác, cát, xi măng, tạp chất, tẩm ướp cả hóa chất độc hại. Nhiều loại sâm, linh chi bị “rút ruột” hàm lượng dinh dưỡng, chỉ còn cặn bã.
Đáng lo ngại hơn, lợi dụng tâm lý khách hàng cho rằng, sử dụng thuốc Đông y sẽ an toàn, không độc hại, không có tác dụng phụ mà giá thành rẻ, nhiều cơ sở đã lén nhuộm chất màu, trộn thuốc đông y với 3,4 loại thuốc tân dược, đẩy nhanh công dụng thuốc, gây nhiều nguy hại khôn lường cho sức khỏe người dùng. Có thể kể đến như thuốc đông dược có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau thì trộn paracetamol; thuốc chữa khớp, còi xương, suy dinh dưỡng, kém ăn trộn corticoid, cả thuốc chữa gút, huyết áp cũng trộn tân dược.
Ông Nguyễn Đăng Lâm - Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cảnh báo, việc trộn lẫn thuốc Đông y và Tây y là vô cùng nguy hiểm vì dùng tân dược phải theo đúng liều lượng, sự chỉ định của bác sĩ. Nhiều trường hợp trộn lẫn corticoid có thể gây suy tuyến thượng thận nặng. Đối với các dược liệu nhuộm chất màu, khi vào cơ thể, hóa chất sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan, thận. Nguy hiểm hơn là gây tác hại lâu dài như suy gan, suy thận, ung thư,...
Một thực tế thấy rằng, Việt Nam ta có hơn 4.000 loài cây dược liệu và có một kho tàng kinh nghiệm sử dụng cây thuốc từ nhiều đời nay. Thế nhưng, phần lớn cây thuốc của chúng ta ở các vùng dược liệu Hà Giang lại bị các thương lái Trung Quốc lùng mua, sau đó phơi khô, chiết tinh chất, tẩm ướp lưu huỳnh, chất bảo quản và quay trở lại nhập khẩu vào Việt Nam với giá thành rẻ hơn, trở thành nguồn dược liệu trôi nổi, đầu độc người tiêu dùng trong nước. Người Việt đang “ngồi” trên một đống thuốc quý mà không biết cách dùng chính là nghịch lý đang tồn tại, lãng phí tài nguyên nước nhà.
Đừng chết vì thiếu hiểu biết!
Một bé gái 8 tuổi ở huyện Nhà Bè, Tp.HCM phải cấp cứu tại BV Nhi Đồng 2 do ngộ độc thuốc Đông y chữa nghẹt mũi, trong tình trạng tê cứng không thể cử động. Chàng trai Phùng Văn (Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) mua thuốc Đông y tại nhà thuốc của ông Phạm Minh Tiến trong xã chữa thấp khớp có biểu hiện co giật, được cứu sống sau khi được rửa ruột, giải độc. Và chính vị lương y kia, vì không tin rằng dược liệu của mình có độc nên đã uống thử thuốc và tử vong sau vài ngày. Đó chỉ là hai trong số vô vàn những trường hợp ngộ độc, tử vong do tình trạng dược liệu giả tràn lan hiện nay, khiến người tiêu dùng hoang mang cực độ.
Thêm vào đó, những lời quảng cáo “có cánh” như “thần dược”, “siêu dược”, “cực bổ” và chiêu trò giật tít, câu views của các trang mạng lại càng khiến nhiều người lạc vào “mê trận” hàng giả hàng nhái, để rồi rước họa vào thân.
Theo lương y Minh Đạm (TP.HCM) chia sẻ, đối với các loại thảo dược quý như sâm, linh chi, đặc biệt là loại hồng sâm Hàn Quốc phải mất đến 6 năm mới phát triển mạnh nhất, nhiều dưỡng chất nhất và giá thành vô cùng đắt đỏ. Ngay tại bản xứ của họ cũng khan hiếm và chỉ giành cho tầng lớp giàu có.
Bởi vậy, không thể có loại sâm bán tràn lan trên mạng, trong siêu thị, nhà hàng, chợ trời với lời quảng cáo “100% nguyên chất”. Thực tế, những loại sâm đó có thể là hàng thải từ các nước, hàng giả từ Trung Quốc, hoặc được tiêm thuốc kích thích tăng trưởng, rút ngắn thời gian thu hoạch, nhằm thu lợi lớn. “Dùng thứ sâm đó có mà chết chắc, không chết ngay thì cũng chết từ từ”, vị lương y khẳng định.
Để không trở thành nạn nhân của tình trạng dược liệu giả, dược liệu bẩn hiện nay, người tiêu dùng cần biết lựa chọn những cơ sở sản xuất uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm chứng. Hiện nay, Bộ Y Tế đã nhân giống nhiều vùng trồng dược liệu sạch như trồng sâm ngọc linh ở Quảng Nam, Kom Tum, vùng trồng Atiso và Chè dây tại Sapa (Lào Cai), Lâm Đồng; trồng kim tiền thảo tại Bắc Giang. Nhiều cơ sở sản kinh doanh sản xuất thuốc trong nước cũng đã xây dựng mô hình đạt tiêu chuẩn GACP WHO (trồng trọt và thu hái sạch cây thuốc) để tận dụng tối đa nguồn cây thuốc sạch, tránh phụ thuộc vào nguồn dược liệu ngoại nhập. Đây chính là hướng đi mới, giúp người bệnh yên tâm hơn khi sử dụng thuốc Đông Y trong nước, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mình và gia đình.
Ngọc Diệp