Menu
×

Y học cổ truyền điều trị biến chứng mất ngủ do đái tháo đường

Ngày đăng: 25/07/2017 In bài viết này

SKNT - Mất ngủ là một triệu chứng thường gặp trong bệnh đái tháo đường týp 2. Bệnh nhân có thể mất ngủ ở các mức độ khác nhau. Nhẹ có thể là ngủ kém, ngủ khó vào giấc, hay tỉnh giấc hoặc giấc ngủ không sâu, ngủ mơ nhiều. Nặng hơn có thể là mất ngủ cả đêm. Nếu bệnh nhân mất ngủ lâu ngày, dẫn tới tinh thần mệt mỏi, đau đầu, buồn bực, cáu gắt, suy giảm trí nhớ, một số bệnh nhân có biểu hiện suy kiệt tinh thần,… Mất ngủ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới đường huyết tăng cao, không ổn định, khó kiểm soát.

Theo y học cổ truyền, mất ngủ còn được gọi là “bất mị”, “thất miên”. Chứng mất ngủ ở bệnh nhân đái tháo đường được biện chứng và điều trị dựa trên cơ sở lý luận của chứng “thất miên” và chứng “tiêu khát”, thầy thuốc tiến hành biện chứng, đưa ra phương thuốc điều trị phù hợp với từng cá thể người bệnh, đó cũng chính là ưu điểm của y học cổ truyền trong điều trị biến chứng mất ngủ do đái tháo đường.

Chứng mất ngủ do đái tháo đường được y học cổ truyền chia thành năm thể bệnh như sau:

1. Âm huyết bất túc, hư nhiệt nội nhiễu.

Bệnh nhân đái tháo đường đa phần thuộc khí âm lưỡng hư, nếu suy nghĩ quá độ, dinh huyết không đầy đủ, huyết hư không dưỡng được tâm mà gây bệnh. Thường có những biểu hiện: Buồn bực, mất ngủ, chóng mặt, ù tai, mệt mỏi, hụt hơi ngại nói, miệng khô, uống nước nhiều, hồi hộp, trống ngực,… Điều trị chủ yếu là ích khí dưỡng âm, bổ thận ninh tâm, hòa huyết an thần. Phương thuốc thường dùng Toan táo nhân thang gia vị. Toan táo nhân thang là bài thuốc cổ phương trong tác phẩm kinh điển “Kim quỹ yếu lược”. Nếu bệnh nhân kèm theo hồi hộp bất an nhiều gia thêm các vị thuốc trọng chấn an thần như sinh long cốt, sinh mẫu lệ,… Nếu bệnh nhân khí âm lưỡng hư nhiều dùng kết hợp với bài thuốc sinh mạch tán,…

2.  Âm dương lưỡng hư, tâm dương phù việt.

Bệnh đái tháo đường giai đoạn đầu đa phần là âm hư táo nhiệt hoặc khí âm lưỡng hư. Bệnh lâu ngày, âm hao tổn ảnh hưởng tới dương, dẫn tới âm dương lưỡng hư. Biểu hiện chủ yếu là mất ngủ, liệt dương, chân tay lạnh, phù thũng, đau mỏi lưng gối, chóng mặt, rụng tóc, đại tiện lỏng loãng, chất lưỡi nhợt tối, rìa lưỡi có hằn răng, rêu lưỡi dày dính, mạch trầm tế hoặc trầm nhược,… Điều trị dùng sâm kỳ chân vũ thang kết hợp với quế chi gia long cốt mẫu lệ thang gia giảm, có tác dụng cải thiện tình trạng giấc ngủ và các triệu chứng kèm theo. Sau đó, căn cứ vào bệnh cảnh cụ thể của người bệnh, thầy thuốc sử dụng tế sinh thận khí hoàn, kim quỹ thận khí hoàn hoặc lục vị địa hoàng hoàn nhằm củng cố hiệu quả điều trị. Nếu bệnh nhân kèm theo hồi hộp trống ngực, mệt mỏi, cảm giác hụt hơi, hay lo nghĩ, ăn kém, miệng khô khát,… đó là chứng tâm tỳ hư tổn, tâm huyết không đầy đủ, lâu ngày ảnh hưởng tới tâm dương. Điều trị dùng phương chích cam thảo thang dưỡng âm hóa dương.

3. Vị không điều hòa, giấc ngủ bất an.

Trong sách “Tố vấn – Nghịch điều luận” đã nói rõ: “Vị không được hòa giáng mà dẫn tới mất ngủ”. Trương Thị Y Thông cũng nói: “Vị bất hòa thì nằm ngủ không yên”. Do đồ ăn thức uống tích tụ lâu ngày bên trong cơ thể, sinh ra đàm hỏa, vị bất hòa thì nằm ngủ không yên. Thường có biểu hiện mất ngủ, miệng khát, đầy chướng ngực bụng, đại tiện táo kết, tiểu tiện vàng, rêu lưỡi vàng táo, mạch hoạt sác,... Điều trị dùng đào hạch thừa khí thang hoặc đại hoàng cam thảo thang gia vị. Phương thuốc này khi kết hợp với các thuốc điều trị đái tháo đường có tác dụng cải thiện các chỉ số đường huyết, triệu chứng mất ngủ và các khó chịu khác kèm. Nếu bệnh nhân mất ngủ, ăn uống kém, đại tiện táo,… có thể dùng phương quất bì đại hoàn gia vị. Nếu bệnh nhân đầy chướng bụng, sôi bụng buồn nôn, miệng khô khát nước, ăn kém, buồn bực nhiều, dùng phương bán hạ tả tâm thang.

4. Can uất khí kết, tâm thần bất ninh.

Bệnh đái tháo đường thường khởi phát âm thầm, nhiều bệnh nhân sau khi phát hiện bệnh có suy nghĩ căng thẳng, lo lắng, sợ hãi,… Tình trạng này lâu ngày sẽ dẫn tới can khí uất kết, can uất hóa hỏa, tâm thần bất an mà gây ra chứng mất ngủ. Chứng bệnh này thường gặp ở những bệnh nhân mới phát hiện bệnh, có cuộc sống căng thẳng, stress tâm lý. Biểu hiện gồm: Buồn phiền cáu gắt, hay bi quan, dễ xúc động, khó đi vào giấc ngủ, hay mơ, đầy chướng ngực bụng, miệng đắng, tiểu vàng đậm, đại tiện khô táo, mạch huyền tế sác,... Theo y học cổ truyền, can là nơi tàng huyết, nếu can khí uất kết, sơ tiết không điều đạt, can không tàng được huyết gây ra chứng mất ngủ. Điều trị có thể chọn dùng các phương thuốc trong nhóm Sài hồ thang, tứ nghịch tán, tiêu dao tán,… kết hợp với cam mạch đại táo thang hoặc chi tử xị thang gia giảm.

5. Đàm nhiệt nội nhiễu, tâm thần bất an.

Trong số các bệnh nhân đái tháo đường có không ít bệnh nhân kèm theo tình trạng béo phì. Những bệnh nhân này đa phần là tỳ hư đàm thấp, đàm kết hóa nhiệt, nhiễu loạn tâm thần. Mặt khác đái tháo đường đa phần là âm hư táo nhiệt hoặc khí âm lưỡng hư, trong điều trị thường xuyên được sử dụng các vị thuốc ích khí, dưỡng âm, nhuận táo. Nếu bệnh nhân dùng những vị thuốc này trong thời gian dài có thể làm cho tỳ hư mà sinh đàm thấp. Những nguyên nhân trên đều ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ. Bệnh nhân có biểu hiện: Nằm ngủ không yên, ăn kém, đầy chướng bụng, chân tay nặng nhọc, nhức mỏi,… Trong đó, biểu hiện đặc trưng nhất là rêu lưỡi vàng dày, dính nhớt. Điều trị dùng tiểu hãm hung thang kết hợp với ôn đởm thang gia giảm. Nếu phối hợp sử dụng với các thuốc dưỡng âm huyết, an thần một cách hợp lý thì hiệu quả điều trị sẽ càng được toàn diện hơn.

6. Âm hư hỏa vượng, thủy hỏa bất giao.

Theo y học cổ truyền, bệnh nhân tuổi cao có thể kèm theo can thận âm hư, thận thủy không ước chế được tâm hỏa. Hoặc do làm việc suy nghĩ quá độ, tâm hỏa bốc lên mà không giao tế với thận, tâm thận bất giao, đây cũng là nguyên nhân thường gặp gây ra chứng mất ngủ. Biểu hiện chủ yếu gồm: Ngũ tâm phiền nhiệt, nằm ngủ bất an, hồi hộp, nặng ngực, nóng bừng mặt, đại tiện khô táo, lưỡi đỏ rêu ít,... Điều trị dùng hoàng liên a giao thang gia giảm. Căn cứ vào biểu hiện cụ thể có thể gia thêm các vị thuốc như toan táo nhân, sinh long cốt, sinh mẫu lệ, hoàng cầm, hoàng liên,...

Ngoài ra, khi điều trị biến chứng mất ngủ do đái tháo đường bằng thuốc y học cổ truyền cần phải chú ý những điểm sau:

1) Chẩn đoán chính xác chứng bệnh, linh hoạt biện chứng, dùng phương phải có phép tắc rõ rằng.

2) Để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất, thông thường dặn bệnh nhân uống thuốc trước ngủ trưa và ngủ tối một giờ.

3) Đối với những bệnh nhân quá lo lắng, căng thẳng, stress, ngoài vấn đề dùng thuốc điều trị, cần phải có biện pháp tâm lý thích hợp cho người bệnh. Bản thân người bệnh cũng cần rèn luyện tinh thần lạc quan, tránh căng thẳng stress.

4) Kiểm soát chặt chẽ các chỉ số đường huyết là yếu tố rất quan trọng trong điều trị biến chứng mất ngủ do đái tháo đường. Bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ điều trị của y học hiện đại, kết hợp với y học cổ truyền sẽ càng nâng cao hiệu quả điều trị, giấc ngủ càng sớm được cải thiện.

Bs. CKI Y học Cổ truyền: Trần Trung Cường

Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam